Cách đây vài năm, tôi đã tự lập một website, nhằm mục đích giao lưu kỹ thuật. Viết nhiều bài nên cạn ý, tôi xoay sang dịch tài liệu kỹ thuật tiếng Anh. Xưa nay, khi đọc tài liệu, tôi hiểu ngay 80% trong đầu và cứ thế làm việc, không cần viết ra giấy. Bây giờ, buộc phải viết ra, vì bỡ ngỡ, tôi dùng những software online thông dụng như Google, Vietgle, Bing dịch ra dàn bài trước, đỡ mất công tra tự điển. Lúc đầu, tôi tức cười vì máy dịch ra những câu rất ngây ngô, ngộ nghĩnh, nhưng cầy cục sửa mãi cũng xong. Sau vài tháng, tôi dịch xong cuốn sách đầu tiên. Khi đọc lại, tôi bất ngờ khi phát giác ra toàn bộ lời văn trong sách rất lủng củng, khó hiểu, thừa rất nhiều từ ngữ không đáng có. Tưởng do khuyết điểm của mình, tôi vào internet đọc vài trang sách báo thì trời ơi, giọng văn ở đây cũng y chang như trong sách dịch của tôi. Ngay cả những bài tôi viết trong web mới đây cũng mắc nhiều lỗi tương tự. Tại sao vậy? Tò mò, tôi lật lại những trang sách viết từ những thập niên trước và nhận ra, bài viết càng xa xưa càng trong sáng hơn nhiều. Từ những cuốn truyện của Tự lực Văn đoàn đến những áng văn tuyệt tác như “Tôi đi học” của Thanh Tịnh (bài này tôi thuộc lòng từ nhỏ) và những nhà văn cùng thời đó đã cho tôi biết lối viết văn bình dị, sáng sủa ra sao.
Một nhà văn chuyên viết truyện tuổi thơ, rất nổi tiếng thời trước, khi hỏi cách tập viết văn, ông đã trả lời tóm gọn trong một câu: “Hãy tập viết văn giống hệt như trong Quốc văn, Luân lý Giáo khoa thư của cụ Trần trọng Kim”. Rồi thời còn đi học, thầy cô đã dạy tôi: “Khi làm luận văn, các em phải giới hạn tối đa những từ như “rằng, thì, mà, là”. Khốn nỗi, khi đọc sách báo hiện nay, những từ này chẳng những không ít đi, lại còn mọc thêm rất nhiều từ đệm như: “các, một, để, được, cho, của, bởi”. Tôi đã lập thống kê số lượng mười một từ này trên vài bài báo thông thường, kết quả kinh ngạc, không dưới 8%. Tại sao vậy?
Có lẽ ai cũng biết cách đặt câu bằng văn phạm tiếng Việt cơ bản: Chủ từ, động từ, cuối cùng là tĩnh hay túc từ. Nhưng hiện nay đang có khuynh hướng đặt câu tự do, không cần theo thứ tự, hay lật ngược cả cụm từ, cụm sau lên trước và ngược lại. Nếu đặt câu như vậy, buộc phải thêm những từ đệm như trên, lẽ ra không nên có. Thí dụ: (Không cần tìm đâu xa, chỉ cần vào net, click hú họa vài cái, ra quá trời, tính thời sự nóng hổi luôn) “Một cuộc điều tra chính thức, sẽ được tiến hành… Những người còn sót lại của cuộc đắm tàu, sẽ được trả tiền bởi công ty bảo hiểm … Còn nhiều cách hay hơn để thư giãn… Nguyên nhân vụ nổ hiện vẫn đang được điều tra song khả năng phá hoại đã được loại bỏ, theo Hải quân Ấn Độ… Khi Đổi Mới xướng lên, nhiều vấn đề tồn đọng của lịch sử hiện đại Việt Nam được xới ra, lật lại, nhiều nhân vật bị khuất lấp được chiếu sáng…”. Cách viết như trên chỉ xuất hiện trong hơn thập niên vừa qua, rộ lên trong vài năm gần đây. Sẽ có người nói, những câu bên trên có tính văn chương. Dạ thưa, không đâu, những câu đó đã bê nguyên si, áp dụng văn phạm tiếng Anh khi viết tiếng Việt. Những câu trên, nếu viết giản dị, đọc sẽ dễ hiểu hơn: “Sẽ tiến hành điều tra chính thức… Những người đắm tàu còn lại, công ty bảo hiểm sẽ trả tiền… Còn nhiều cách thư giãn hay hơn… Vẫn đang điều tra nguyên nhân vụ nổ, song đã loại bỏ khả năng phá hoại…v.v.”. Văn chương Việt cũng có nhiếu câu phá cách rất tuyệt như: “Còn một chút gì, để nhớ, để thương”. Nhưng, cách viết phá cách đó nên dành cho những nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ sáng tạo tự do trong tác phẩm của họ, chúng ta chỉ đọc cho tâm hồn xúc cảm, không nên thuổng những câu này, đưa vào bài văn viết thông thường. Người miền nam thường gọi việc viết rườm rà, văn vẻ, lạm dụng câu văn của người khác, đưa vào làm của mình, không hề sáng tạo, là văn chương cải lương, sến.
Văn phạm tiếng Anh có cách đặt câu khác hẳn tiếng Việt. Ngoài việc đặt câu ngược từ hay cụm từ, nó còn đòi hỏi việc xác định những từ ngữ về số nhiều, ít; thì quá khứ, hiện tại, tương lai đều phải nêu thật chính xác. Ngoài ra, trong một câu, mỗi cụm từ đủ nghĩa cách nhau dấu phẩy cũng phải có đủ chủ từ, cho phép lập lại từ ngữ nhiều lần trong toàn câu. Bởi vậy, cho dù tiếng Anh ít từ ngữ phong phú, nhưng được thế giới công nhận là ngôn ngữ toàn cầu, vì tính chính xác khá tuyệt đối. Nhưng khi dịch Anh – Việt, bằng lối dịch sát từ, sẽ thừa rất nhiều từ đệm như trên và rất nhiều chủ từ như “tôi, chúng ta, bạn, họ, của tôi, của chúng ta, của bạn, của họ, của nó, và, hay v.v.”, nhiều khi chỉ trong một câu có đến cả chục từ như vậy, đọc nhức cả mắt. Văn phạm tiếng Việt đơn giản hơn, trong một câu dài, có thể chỉ dùng một chủ từ, đặt tại cụm nào cũng được, những cụm khác sẽ ngầm hiểu, miễn sao đọc trơn tru. Cũng không nhất thiết phải xác định rõ số nhiều, trừ khi bắt buộc, đôi khi chỉ cần từ bên cạnh xác định dùm, chẳng hạn, những từ đứng sau từ “tất cả, đa số” không cần thêm chữ “những” hay “các” vì đã hiểu ngầm đó là từ số nhiều. Thì quá khứ hay tương lai cũng vậy, có thể hiểu ngầm. Chính vì điều trên, khi dịch Việt – Anh, nếu dịch sát từng từ, người Việt chúng ta luôn bị sai văn phạm tiếng Anh.
Bây giờ sang từ “các, một”, hiện nay đã xuất hiện quá nhiều trong văn viết. Văn ngày xưa cũng dùng từ này, nhưng ít thôi, để tránh lập lại. Nguyên nhân hiện nay xuất hiện những từ này quá nhiều, có lẽ do máy tính Google translate. Nó dịch máy móc hai mạo từ tiếng Anh là “the, a, an” sang tiếng Việt là “các, một”. Xin trích dẫn cách dùng hai mạo từ trên trong tiếng Anh: “Thelà mạo từ xác định dùng cho cả danh từ đếm được (số ít lẫn số nhiều) và danh từ không đếm được. Chúng ta dùng "the" khi danh từ chỉ đối tượng được cả người nói lẫn người nghe biết rõ đối tượng nào đó. Ngược lại, khi dùng mạo từ bất định a, an; người nói đề cập đến một đối tượng chung hoặc chưa xác định được”. Trong tiếng Anh, hai mạo từ này rất nhiều nên bản dịch sẽ có vô số nếu không lược bớt đi. Từ “các” trong tiếng Việt nghĩa là gì các bạn cứ tự nghĩ sẽ biết. Dùng quá nhiều từ này, bài viết sẽ lởm chởm như có sạn, có thể bỏ bớt, chỉ dùng trước từ chỉ định nhân vật hay thay bằng từ “nhiều, những, vài”.
Máy tính Google cũng là tác nhân làm những bài viết hiện nay có quá nhiều những từ như: “nhanh chóng, khó khăn, dễ dàng, mạnh mẽ, rõ ràng, như thế nào v.v”, nhiều lắm, kể không hết. Chuyện này ảnh hưởng đến bài viết hiện nay rất nhiều; cứng ngắc, khô khan, đơn điệu. Từ ngữ tiếng Việt rất phong phú (ngoại trừ từ kỹ thuật chuyên ngành) không đến nỗi thiếu từ khi dịch những từ nguyên bản tiếng Anh này đúng theo ngữ cảnh, sao lại phải theo cái máy, làm ngôn ngữ Việt bị nghèo hẳn đi. Điển hình cho việc này, các bạn xem phụ đề của những phim ngoại quốc phát trên cable truyền hình sẽ rõ, nhất là channel Discovery, sẽ thấy nhiều câu rất ngây ngô. Rồi đến những bản tin thời sự quốc tế của báo chí, truyền hình dịch sách báo ngoại quốc cũng dập khuôn y như vậy, nhất là những câu giật title cho kêu. Cũng có thể chấp nhận vì đây là bản dịch nhanh từ tiếng Anh, nhưng đến khi bài viết của tác giả người Việt cũng vậy thì hết nước nói. Mọi người cứ nghe, đọc mãi, riết rồi sẽ quen những lỗi này, cứ tưởng đâu viết văn phải như thế mới đúng (thời gian trước, tôi cũng vậy). Tôi đã đem vài bài dịch của tôi ra sửa lại, kết quả khá mỹ mãn, lời văn dễ hiểu, mạch lạc hơn rất nhiều, dù là bản dịch tiếng Anh, phải theo ý tác giả.
Là dân kỹ thuật, không hề bảo thủ, tôi sẵn sàng tiếp nhận những cái mới, nhưng phải biết gạn lọc ra những cái hay hơn cái sẵn có, cũng như luồng thông tin đa dạng tràn ngập trên net, phải lược bỏ rất nhiều. Tiếng Việt rất đơn giản, nói, viết đến đâu hiểu ngay đến đó, trong khi tiếng Anh phải đọc đủ cả câu mới hiểu rõ nghĩa. Văn viết cũng là văn nói, nói sao viết vậy. Tôi vừa đọc qua bài phỏng vấn nhạc sĩ Tuấn Khanh, trong đó có câu: ”đây là chuyện bình thường của nhận xét”, “Chỉ có điều, sau mỗi lần cụm từ này được thốt ra”. Tôi chắc chắn ông ta không hề nói nguyên văn như vậy, cớ sao khi viết phải đổi đi cho thêm rắc rối. Đổi mới, sùng ngoại à? Học ai không học, ai lại học theo cái máy bao giờ. Còn khá nhiều lỗi nữa không tiện nói ra ở đây, vả lại, tôi cũng là tay ngang, không muốn đi vào chi tiết làm gì. Tôi không còn con cháu nào đang học phổ thông, không biết nhà trường bây giờ dạy văn ra sao, nhưng nếu thầy cô không biết những chuyện này thì thật buồn cho tiếng Việt.
Tôi không ôm đồm tất cả, vẫn còn rất nhiều bài văn rất hay, không bị ảnh hưởng những điều trên, nhưng hình như chỉ có trong văn, truyện. Riêng sách báo phổ biến hiện nay, ngoài những bài của những nhà văn, nhà báo kinh nghiệm, còn phần lớn đều mắc quá nhiều lỗi không đáng, nhất là trên net, viết khá dễ dãi. Điều muốn nói ở đây, khi viết bài này, tôi muốn đánh động tới những người đang làm việc liên quan đến vấn đề từ ngữ tiếng Việt, xin hãy chú tâm đặc biệt hơn nữa và làm cách nào cũng được, miễn sao hạn chế dần những điều nêu trên. Nếu không còn ai quan tâm, thời điểm xuất hiện những cụm từ na ná như “Cơm được ăn bởi tôi”, thay vì “Tôi ăn cơm”, sẽ không xa nữa đâu.
Lê tuyên Phúc.
09 – 2013