Đặc thù thứ hai, chỉ có người Việt mới phát âm đầy đủ 3 thanh và 5 âm, sắc - huyền - hỏi - ngã - nặng. Đây là rào cản rất lớn khi người nước ngoài học nói tiếng Việt, vì họ không thể phát âm đủ dấu giọng chính xác được. Cũng có thể do thổ nhưỡng, khí hậu vì ngay cả người miền Nam cũng khó phát âm dấu ngã và người Trung thì nói từ nào cũng như có dấu nặng.
Và đặc thù thứ ba, người Việt nói xuôi theo sự việc, đọc đến đâu hiểu đến đó, không như những ngôn ngữ khác, phải đọc hết câu hay cụm từ mới hiểu nghĩa toàn bộ. Cũng có vài dân tộc vùng Hoa nam có cách nói giống dân Việt, chính vì họ cũng cùng tộc Bách Việt với chúng ta, khi họ nói, ngay người Hoa Bắc cũng rất khó hiểu, nhưng khi viết thì ngữ pháp lại đúng tiếng Hoa. Hai dân tộc Nhật, Hàn cũng có ngữ pháp giống dân Việt khoảng 3-40%.
Tôi nêu ra những đặc thù trên, không phải để bốc thơm cho tiếng Việt, hay nói nó hay, phong phú hơn những ngôn ngữ khác. Vấn đề là những nét đặc thù này là do tiền nhân để lại, dù tốt hay xấu, chúng ta cũng phải giữ lại tiếng nói của tổ tiên. Các bạn nên nhớ, dù đã trải qua ngàn năm Bắc thuộc, trăm năm Pháp thuộc, ông cha ta vẫn giữ nguyên bản chất của tiếng Việt, không bao giờ bị đồng hoá. Vững vàng đến mức, cho dù ngôn ngữ Việt có bị pha trộn nhiều từ tiếng Hoa, gọi là từ Hán-Việt, nhưng khi nói, viết vẫn phân chia ngữ pháp rạch ròi, Hán viết ngược, nhưng Nôm thì viết xuôi. Đơn cử vài thí dụ: từ “ngoại quốc” là Hán-Việt, tiếng Việt nói là “nước ngoài”, “trực thăng” là “lên thẳng”, “quốc gia” là “nhà nước”.v.v. Cũng vì sống chung với nhiều nền văn hoá, chúng ta được cái là đọc ngữ pháp nào cũng hiểu rất nhanh, không như những dân tộc khác. Thí dụ: khi bạn đi thay nhớt xe ở một gara bên Mỹ, nếu bạn nói “change oil” thì họ nhất định không hiểu đâu, bạn phải nói “oil change” hay ít nhất là “to change the oil” họ mới hiểu được. Vấn đề là, khi đọc tiếng nước ngoài, ngược xuôi gì bạn cũng hiểu hết nhưng khi nói, viết tiếng Việt, bắt buộc bạn phải dùng đúng ngữ pháp Việt nhé. Câu vi phạm ngữ pháp phổ thông nhất: “Chuyện gì đã xảy ra? thay vì phải viết “đã xảy ra chuyện gì?” mới đúng. Chỉ cần biết tiếng Việt chính là “văn xuôi” là đủ tóm gọn tất cả, nhưng hẹn các bạn ở những bài viết sau, sẽ phân tích chi tiết hơn.
02 – 2016
Lê Tuyên Phúc.